CHUYÊN MỤC ĐỌC TIN TỨC

Nghề điều dưỡng bị xem nhẹ

Nguyên thứ trưởng Y tế Phạm Mạnh Hùng cho rằng, nhiều người vẫn nghĩ điều dưỡng là y tá hay “osin cao cấp” của bác sĩ, dẫn đến vị trí và chức năng của ngành điều dưỡng chưa được nhìn nhận.

“Lực lượng điều dưỡng Việt Nam hiện nay còn nhiều hạn chế, thiếu về số lượng, tỷ lệ điều dưỡng trên nghìn dân hầu như không thay đổi nhiều trong những năm qua”, giáo sư Hùng nói tại hội nghị điều dưỡng do Viện Nghiên cứu và Đào tạo Y Dược An Sinh tổ chức hồi cuối tuần trước.

Theo ông Hùng, nghị quyết năm 2017 về tăng cường công tác bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe, mục tiêu đến năm 2025 Việt Nam có 2,5 điều dưỡng trên 1.000 dân – tức cần tăng số điều dưỡng hiện nay lên hai lần. Ngoài số lượng ít, vai trò và chức năng của người điều dưỡng chưa được nhiều người hiểu rõ, thậm chí nhầm với vai trò của y tá hoặc phụ việc cho bác sĩ. Tỷ lệ điều dưỡng trên bác sĩ hiện khoảng 1,4 – tức một bác sĩ có khoảng 1,4 điều dưỡng viên, trong khi mức trung bình của nhiều nước trên thế giới là 3-4.

“Nhiều người vẫn hiểu nhầm điều dưỡng là osin cao cấp của bác sĩ”, ông Hùng nói. Trên thực tế bác sĩ và điều dưỡng viên có vai trò, chức năng khác nhau. Điều dưỡng là người bảo hộ bệnh nhân, quan tâm đến sức khỏe và phục hồi sức khỏe, chăm sóc toàn diện cả thể xác lẫn tinh thần người bệnh. Còn bác sĩ tập trung vào việc đối phó với bệnh, chẳng hạn chẩn đoán bệnh, chữa trị ra sao, mổ thế nào…

Điều dưỡng cũng có nhiệm vụ đeo ống nghe để khám cho bệnh nhân – công việc chính của bác sĩ, song rất ít người làm việc này. Vì vậy, vai trò của điều dưỡng không được phát huy, mang tâm lý là trợ thủ cho bác sĩ chứ không phải mối quan hệ hỗ trợ, hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau.

“Thực chất người điều dưỡng được ví như trái tim của công tác chăm sóc sức khỏe, nếu không có các điều dưỡng thì hệ thống chăm sóc sức khỏe sẽ sụp đổ ngay lập tức”, ông Hùng nói.

Điều dưỡng điều trị cho các bệnh nhân nặng, nguy kịch tại Bệnh viện hồi sức Covid-19 TP HCM, tháng 7/2021. Ảnh: Thành Nguyễn

Điều dưỡng điều trị cho các bệnh nhân nặng, nguy kịch tại Bệnh viện hồi sức Covid-19 TP HCM, tháng 7/2021. Ảnh: Thành Nguyễn

Thạc sĩ Phạm Đức Mục, Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam, nói rằng Tổ chức Y tế thế giới nhận định dịch vụ điều dưỡng là một trong các trụ cột, xương sống của hệ thống dịch vụ y tế. Tuy nhiên, vai trò của điều dưỡng tại Việt Nam chưa được nhìn nhận đúng và “vẫn là nghề âm thầm trong các nghề âm thầm”. Đội ngũ điều dưỡng ít được tham gia vào quá trình hoạch định xây dựng chính sách y tế nói chung và chính sách cho điều dưỡng nói riêng.

Công tác đào tạo nghề điều dưỡng có những giai đoạn chưa được chú trọng. Suốt 20 năm từ 1975 đến 1995, Việt Nam chỉ đào tạo điều dưỡng trình độ trung cấp là cao nhất. Những năm 1990, một loạt điều dưỡng bỏ nghề. Nhiều điều dưỡng giỏi giang, có trí tuệ mong muốn nâng cao trình độ nhưng cánh cửa phát triển chưa được mở rộng.

Gần đây, nghề điều dưỡng được quan tâm hơn, nhiều người được xét chọn thầy thuốc ưu tú, tôn vinh cấp quốc gia… Ngành điều dưỡng được nâng cấp đào tạo lên đại học, thạc sĩ. Từ năm 2019 bắt đầu đào tạo tiến sĩ điều dưỡng, song thầy dạy chủ yếu vẫn là bác sĩ y khoa nên cách tiếp cận chưa hướng tới chăm sóc sức khỏe (ứng xử sức khỏe) mà chủ yếu đối phó với bệnh (ứng xử với bệnh).

Tuy nhiên, ông Mục cho rằng, Việt Nam mới có điều dưỡng đa khoa chứ chưa có chuyên khoa, trong khi thế giới có đến 20 chuyên khoa điều dưỡng. Điều dưỡng viên chưa thực hiện đúng chức năng điều phối trong chăm sóc người bệnh, chưa có tư duy phản biện và độc lập, chủ yếu vẫn phụ thuộc theo chỉ định của bác sĩ. Trong khi đó, từ vai trò trợ thủ cho bác sĩ, người điều dưỡng ngày nay phải đóng vai trò điều phối, tích hợp công tác điều trị và chăm sóc bệnh nhân.

Một bất cập khác là trong bối cảnh các bệnh viện tự chủ kinh tế, nhóm nghề nào tạo được tài chính cho bệnh viện thì nhóm đó giữ vai trò nền tảng. Với cơ cấu viện phí hiện nay, bảo hiểm y tế không chi trả cho các dịch vụ của điều dưỡng. Chẳng hạn, bác sĩ khám bệnh nhân thì được trả tiền, còn điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân hôn mê nằm trên giường hàng tuần, hàng tháng, công sức bỏ ra nhiều nhưng không được thể hiện rõ trong bảng giá thanh toán bảo hiểm, khiến thu nhập của điều dưỡng viên thường thấp, bị đánh giá thấp giá trị.

Từ những bất cập trên, các chuyên gia đề xuất ngành y tế cần tăng cường xây dựng ngành điều dưỡng, đảm bảo về số lượng, trước mắt đạt tiêu chí tỷ lệ 3 điều dưỡng/bác sĩ. Theo ông Hùng, ngoài đào tạo đa khoa cần đổi mới đào tạo chuyên khoa, tăng tỷ lệ “giảng viên là điều dưỡng dạy điều dưỡng” thay vì giảng viên là bác sĩ.

“Việt Nam là nước hiếm hoi trên thế giới dùng rất nhiều bác sĩ để dạy nghề điều dưỡng, điều này giống như dùng bộ đội để dạy công an dẫn đến họ có thể bắn súng rất giỏi nhưng kỹ năng điều tra sẽ hạn chế”, ông Mục nói.

 Lê Phương

Copy nguồn: https://vnexpress.net/nghe-dieu-duong-bi-xem-nhe-4460130.html

Call Now